Tập cho bé cách tự ăn

    Bạn từng trông thấy một đứa trẻ tự xúc ăn “ngon lành” và mong muốn bé nhà mình cũng có thể tự ăn như thế. Không khó đâu, bạn đừng nghĩ rằng khi con biết đi, biết nói thì sẽ biết tự ăn. Thực ra, bạn hoàn toàn có thể chủ động giúp bé tự xúc ăn ngay từ khi bé tròn một tuổi.

   Tự xúc ăn – rèn cho con đức tính tự lập.

Tự xúc ăn là một hành vi chủ động. Nếu hành vi này được lặp đi lặp lại trong mỗi bữa ăn sẽ hình thành nên một thói quen vừa có lợi cho sức khỏe, vừa có lợi cho sự phát triển hành vi ở trẻ nhỏ.

Việc để cho bé tự xúc, tự gắp thức ăn không những tập cho trẻ tính tự lập mà còn đưa cho trẻ cơ hội để tự lựa chọn những loại thức ăn phù hợp trong thực đơn đã được chuẩn bị sẵn. Đây là cách để trẻ cảm nhận thấy chúng được tôn trọng đồng thời cũng là cách để bố mẹ biết được con mình thích ăn món nào, không thích ăn món nào. Hơn nữa, trẻ con rất muốn được làm chủ và chúng hoàn toàn có thể tự xúc ăn khi chạm mốc 2 tuổi. Giúp con tự ăn sớm, bạn sẽ không phải vất vả vì chứng biếng ăn hay những bữa ăn kéo dài hàng tiếng đồng hồ cùng con.

    *Các bước rèn con bé tự ăn

Trước khi để con tự cầm muỗng, hãy dạy bé cách tự cầm bình sữa. Vào khoảng 5-6 tháng tuổi, bé có thể cầm được bình. Hãy dạy bé đưa hai bàn tay lại với nhau ở giữa cơ thể để giữ bình sữa.


Khi nhận thấy con có thể cầm nắm đồ chơi (khoảng 9 tháng tuổi), bạn hãy cho bé tự ăn bằng tay. Nghe có vẻ “không vệ sinh” nhưng đây là bước bắt buộc trong quá trình rèn con tự ăn với các đồ dùng cho bé ăn an toàn. Sở dĩ bé đưa mọi thứ vào miệng là vì muốn khám phá thế giới xung quanh đấy bạn . Nên hãy để bé cầm một cái bánh quy hoặc mẩu bánh mì nhỏ và tự cắn ăn.

Bạn hãy sắm sẵn một bộ đồ ăn an toàn cho bé gồm bàn ăn, muỗng, tô, đĩa,…(lưu ý chọn loại làm từ chất liệu nhựa an toàn, thiết kế phù hợp với độ tuổi của bé và bắt mắt bé). Ban đầu bé sẽ chỉ xem chúng như những món đồ chơi khác và dần hiểu rằng, muỗng có thể đưa thức ăn vào miệng, còn tô có thể dùng đựng thức ăn.

Nếu bé đã biết ngồi, hãy sắm cho bé một cái ghế ngồi ăn, bày bộ đồ ăn và thức ăn phù hợp cho bé, ban đầu hướng dẫn cho bé ăn với các động tác mẫu ngộ nghĩnh và sau đó để bé “tự xử” với sự giám sát một cách tế nhị nhưng cẩnthận của mẹ. Thỉnh thoảng, mẹ phải sửa lại tư thế cho bé.

Nếu bé chưa sẵn sàng hoặc không hào hứng với việc luyện tập thì hãy đút cho bé và tiếp tục khơi gợi sự tò mò, ham muốn thử thách của bé khi thấy mẹ tự xúc ăn một cách rất ngon miệng. Bé cũng rất khoái trò ăn bốc (finger food) nên mẹ hãy rửa tay sạch sẽ cho bé, chuẩn bị những món dễ bốc và dễ “gặm nhấm” như những mẩu cà rốt, khoai tây luộc thật mềm, những sợi mì mềm hoặc những miếng bánh ngũ cốc mềm vừa tay và tan trên lưỡi để bé không bị hóc… Tuy bày bừa và làm rơi vãi thức ăn đủ mọi nơi nhưng khoảnh khắc ấy bé vẫn thật đáng yêu đó mẹ ơi! Và mẹ cũng nhớ cẩn thận với độ nóng, lạnh, cứng mềm của món ăn cho bé nữa nhé!
  

Những bí quyết giúp bố mẹ thành công

Khi bé đang thời kỳ ăn dặm, thì việc tập cho bé một thói quen ăn tốt quan trọng hơn là bé ăn được bao nhiêu. Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính nên đừng lo lắng nếu mấy tháng đầu tập ăn bé còn ăn được ít quá.

Bạn phải kiên nhẫn vì ban đầu bé chưa thể thành thạo ngay được. Thấy con chỉ “dọc” thức ăn mà chẳng ăn được bao nhiêu, bạn lại đành đút bé trở lại thì sẽ không bao giờ dạy bé tự ăn thành công.

Bạn không được sợ bẩn, sợ phiền toái. Bởi vì con có thể vấy bẩn mọi thứ xung quanh. Phương châm là trước và sau khi ăn đều rửa ráy cho con và không nề hà dọn dẹp “bãi chiến trường”.

+ Với muỗng hoặc thìa cho bé, hãy chọn loại có tay cầm ngắn, cong sẽ giúp bé dễ đưa vào miệng hơn. Cũng nên quan sát độ sâu của lòng muỗng vì lấy thức ăn ra khỏi muỗng nông thì dễ dàng hơn nhưng muỗng có lòng sâu lại dễ giữ thức ăn trước khi đưa vào miệng của bé hơn.

+ Với dĩa tập ăn cho bé, mẹ chọn loại có phần vành cao hơn phần lòng đĩa, bởi vì bé có thể múc dựa vào thành đĩa để xúc thức ăn.

+ Với tô, mẹ chọn loại có vành tròn, dễ cắn, nhẹ, có thể có chỗ cầm hoặc đế dính giúp bé giữ tô vững hơn.

Mẹ có thể sắm cùng lúc 2-3 bộ đồ ăn có màu sắc, kiểu dáng khác nhau để thay đổi luân phiên, nhằm tăng thêm hứng thú cho bé.

Các món ăn dành cho bé không cần nhiều gia vị, cầu kỳ hay công phu. Chỉ cần mẹ chịu khó trang trí bắt mắt, làm tăng màu sắc, sinh động cho các món ăn là bé sẽ thích ngay.

Không dùng các phương tiện giải trí như máy tính bảng, tivi hay bày xung quanh bé một đống đồ chơi để mua chuộc bé. Những trò này ban đầu có vẻ hiệu quả. Tuy nhiên, bé sẽ trở nên bị lệ thuộc và khi không được chơi thì dứt khoát không ăn.

Không ép bé ăn một cách cứng nhắc, dừng ăn khi thấy bé đã đủ no và hãy để bé có cảm giác đói bụng, bé sẽ ăn ngon hơn.

Cuối cùng, hãy bắt đầu tập cho con thói quen tự lập khi ăn và xem đó là một công việc nghiêm túc, cần đầu tư thời gian, công sức và cần có cả phương pháp thật khoa học nữa, bạn nhé!

Trả lời