Tuần lễ đầu tiên của thai kỳ vẫn nằm trong chu kỳ kinh nguyệt của Bạn. Bởi vì ngày dự sanh của Bạn được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối, tuần lễ này cũng được tính vào 40 tuần lễ mang thai của Bạn (còn gọi là thai kỳ) cho dù khi đó bé yêu vẫn chưa được hình thành trong bụng mẹ.
Tuần lễ đầu tiên
Sự phát triển của trứng thụ tinh:
Tuần lễ đầu tiên của thai kỳ vẫn nằm trong chu kỳ kinh nguyệt của Bạn. Bởi vì ngày dự sanh của Bạn được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối, tuần lễ này cũng được tính vào 40 tuần lễ mang thai của Bạn (còn gọi là thai kỳ) cho dù khi đó bé yêu vẫn chưa được hình thành trong bụng mẹ.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Trong suốt quá trình mang thai, tình trạng sức khỏe của Bạn và bé có liên quan chặt chẽ với nhau. Do vậy, trong khi còn đang chuẩn bị kế hoạch để mang thai, Bạn hãy dành thời gian chăm sóc và chuẩn bị thật tốt cho cơ thể để có thể thực hiện tốt chức năng làm mẹ sau này. Khi Bạn dự định mang thai, Bạn nên lưu ý các vấn đề sau:
– Không uống rượu, không sử dụng thuốc bừa bãi và nhất là không được hút thuốc lá. Vì các chất này có thể là nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi, bé có nguy cơ mắc phải hội chứng thai nhi bị nghiện rượu, các vấn đề về hô hấp, bé sinh ra sẽ bị nhẹ cân và rất nhiều các rắc rối nghiêm trọng khác về sức khỏe.
– Thông báo cho BS biết về tất cả các loại thuốc Bạn đang sử dụng. Bạn nhất thiết phải cẩn trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bởi vì nhiều loại thuốc có thể gây tác động xấu đến thai nhi, như hoạt chất Isotretinoin, có trong thuốc trị mụn, làm cho thai nhi không phát triển. Một số các loại thuốc thông dụng khác mà BS có thể cho Bạn biết ngay rằng không được sử dụng bao gồm Aspirin và các loại thuốc giảm đau có hoạt chất Acetaminophen, các loại thuốc chống trầm cảm, các thuốc chống dị ứng, kháng sinh như Streptomycin và Tetracycline, các chất kháng đông dùng để chữa rối loạn đông máu, các thuốc chống động kinh trong điều trị các cơn động kinh. Tốt hơn hết Bạn nên tham khảo ý kiến của BS khi Bạn quyết định ngưng không sử dụng các toa thuốc này nữa và khi đó BS sẽ cho Bạn biết những lợi ích và những rủi ro có thể xảy ra khi tiếp tục sử dụng toa thuốc Bạn đang điều trị.
– Duy trì thực đơn hằng ngày với đầy đủ các Vitamin, đặc biệt là Axit folic. Những phụ nữ đang muốn có thai nên sử dụng ít nhất 0.4 đến 0.8 milligram Axit folic mỗi ngày. Lượng Axit Folic được cung cấp đầy đủ sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra rủi ro khiếm khuyết về hệ thần kinh cho bé (dị tật sơ sinh gây ra bởi sự phát triển không hoàn chỉnh của não bộ và hệ tuỷ sống), chẳng hạn như dị tật đốt sống chẻ đôi. Hãy cho BS biết lượng Axit folic mà Bạn sử dụng mỗi ngày khi Bạn đang chuẩn bị mang thai.
Tuần lễ thứ 2
Sự phát triển của Bé:
Bây giờ Bạn đang nghĩ về một màu hồng dễ thương hay một màu xanh mạnh mẽ vậy? Cho dù Bạn đang thật sự rất mong chờ để có thể biết được màu sắc nào để trang trí và sơn phết cho căn phòng bé cưng của Bạn, thì Bạn có biết không giới tính của Bé đã được xác định ngay tại thời điểm thụ thai, vào cuối tuần lễ đầu tiên. Trong 46 nhiễm sắc thể để tạo nên bộ gen của Bé, có hai nhiễm sắc thể – một từ tinh trùng và một từ trứng – quyết định giới tính của Bé. Mỗi một trứng có chứa một nhiễm sắc thể X, mỗi một tinh trùng có thể chứa một nhiễm sắc thể X hoặc một nhiễm sắc thể Y. Nếu tinh trùng có chứa nhiễm sắc thể X thụ tinh với trứng, Bạn sẽ sinh con gái, còn nếu tinh trùng đó chứa nhiễm sắc thể Y, Bạn sẽ có một Bé trai.
Vào tuần lễ thứ hai, mặc dầu vừa mới được thụ tinh nhưng trứng vẫn hoạt động một cách liên tục. Trứng thụ tinh sẽ thực hiện quá trình nhân đôi. 30 tiếng sau khi thụ tinh, hợp tử sẽ phân chia làm đôi, sau đó là 4, sau nữa là 8 và cứ thế cứ nhân đôi liên tục trong suốt quãng đường di chuyển từ vòi trứng đến tử cung. Khi đến được tử cung, số tế bào lúc này đã là 32 và được gọi là noãn bào. Một tuần lễ sau khi thụ tinh, số tế bào lúc này sẽ là 256.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Mỗi lúc trứng rụng, lòng tử cung của Bạn sẽ dầy lên để bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi sau này. Cơ thể Bạn sẽ tiết ra một loại hocmon (follicle stimulating – FSH) để kích thích trứng trưởng thành. Vào cuối tuần lễ này, trứng sẽ được phóng thích vào ống dẫn trứng.
Thường thì trứng rụng vào thời điểm giữa chu kỳ kinh nguyệt của Bạn (nếu chu kỳ kinh nguyệt của Bạn dài 28 ngày), khi trứng rụng thì khả năng thụ thai là cao nhất. Nếu Bạn gần gũi chồng vào lúc này mà không áp dụng bất kỳ một phương pháp tránh thai nào cả, Bạn có thể có thai. Sau khi xuất tinh, hàng triệu tinh trùng sẽ di chuyển một cách nhanh chóng từ âm đạo đến ống dẫn trứng, ở đó đã có một trứng chờ sẵn. Một trứng phóng thích sẽ cho phép chỉ một tinh trùng thâm nhập vào, và quá trình thụ tinh xảy ra. Trong suốt quá trình thụ tinh, gen di truyền của tinh trùng và trứng kết hợp với nhau. Vậy là giờ đây Bạn đã có thai – mặc dù có thể ngay cả Bạn cũng chưa biết rằng mình đang mang trong mình một sinh linh bé bỏng.
Tuần lễ thứ 3
Sự phát triển của bé yêu:
Mặc dù Bạn Vẫn chưa biết rằng mình đã mang thai, nhưng trứng thụ tinh vẫn không ngừng thực hiện quá trình phân bào một cách liên tục. Qua hai tuần lễ đầu, trứng thụ tinh bây giờ đã phân chia thành hàng trăm tế bào và chúng đuợc gọi là phôi thai. Phôi thai có dạng hình ống và chứa đầy dịch lỏng – Bây giờ nếu như có thể nhìn thấy bên trong tử cung, phôi thai cũng đủ lớn để Bạn có thể nhìn thấy rõ.
Thường là vào khoảng giữa ngày thứ tư cho đến ngày thứ bảy sau khi thụ tinh, quá trình làm tổ diễn ra bằng cách phôi thai sẽ bám rễ và cắm chặt vào lớp lót bên trong lòng tử cung (nội mạc tử cung). Sự bám rễ vào nội mạc tử cung là một sự kết nối thiết yếu – nội mạc tử cung đã dầy lên sẵn sẽ cung cấp các dưỡng chất cho bào thai và giúp đưa các chất thải của bào thai ra ngoài. Và quan trọng hơn hết, lớp nội mạc tử cung tại vị trí này sẽ phát triển thành bánh nhau. Trong suốt quá trình mang thai, bánh nhau sẽ nuôi dưỡng và bảo vệ cho sự phát triển của thai nhi.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Bây giờ thời gian đã hơn một tuần kể từ lúc trứng thụ tinh, có thể bây giờ Bạn đã nhận ra mình đang có thai. Phôi thai sẽ bắt đầu tiết ra một loại hormon giúp cho lớp nội mạc tử cung không bị bong ra – đó là lý do tại sao Bạn có thể nhận biết được rằng Bạn đã bị mất kinh.
Cung cấp đầy đủ Vitamin cho cơ thể, đặt biệt là Axit Folic, chất đạm, Can-xi và Sắt là điều tối cần thiết để nuôi dưỡng thai nhi của Bạn. Lượng Axit Folic mà Bạn cần bổ sung lý tưởng nhất là vào thời điểm trước khi Bạn có thai – đó là một điều rất quan trọng bởi vì Axit Folic giúp ngăn ngừa những khiếm khuyết của hệ thần kinh (Não, sống lưng và các cấu trúc có liên quan) được hình thành từ rất sớm trong thai kỳ.
Bạn nên ăn nhiều chất đạm, đó là thành phần tạo ra các mô mới, Bạn nên bổ sung gấp đôi lượng đạm trong suốt quá trình mang thai bằng cách nên ăn ít nhất 60 gram thịt mỗi ngày. Thêm vào đó là Can-xi, ít nhất 1.200 mili gam, rất cần thiết cho sự phát triển của xương và răng cho bé. Vì vậy hãy chắc chắn rằng Bạn đã cung cấp một lượng đầy đủ các chế phẩm từ sữa, rau xanh và các loại củ quả. Chất Sắt rất cần thiết trong suốt quá trình mang thai để hỗ trợ cho sự gia tăng liên tục khối lượng máu của bé. Những thực phẩm cung cấp chất Sắt gồm có thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, …), rau củ, trứng, và rau xanh. Bạn nên ăn lượng thức ăn có chứa ít nhất 30 miligam Sắt mỗi ngày.
Tuần lễ thứ 4
Sự phát triển của bé yêu:
Đã 4 tuần lễ trôi qua, trứng thụ tinh giờ đây đã là một phôi thai có 3 lớp khác nhau. Lớp bên trong, được gọi là lớp nội bì, sẽ phát triển thành phổi, gan và bộ máy tiêu hóa của bé. Lớp giữa, được gọi như lớp trung bì, sẽ phát triển thành xương, cơ, thận, cơ quan sinh dục và tim. Cuối cùng, lớp ngoại bì hoặc lớp bên ngoài sẽ phát triển thành cơ và các bộ phận khác như da, tóc, mắt và hệ thống thần kinh.
Một xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu cho thấy Bạn đã mang thai vì phôi thai đã tiết ra hormon hCG (human Chorionic Gonadotropin), một loại hormon có liên quan đến thai kỳ. Que thử thai tại nhà cũng sẽ cho kết quả dương tính nhưng không chính xác bằng thử máu khi đang ở trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Các hormon do phôi thai tiết ra là nguyên nhân khiến Bạn có thể có các triệu chứng ốm nghén trong tuần lễ này của thai kỳ. Các triệu chứng như mệt mỏi, cảm giác ngứa ngáy, ù tai, đau vú hoặc là rất buồn nôn làm cho Bạn tưởng rằng mình sắp có kinh nguyệt bởi vì các triệu chứng nghén cũng tương tự như các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Và có thể một thời gian rất lâu sau đó Bạn mới nhận ra rằng thai nhi chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu trên.