Sự phát triển của thai nhi trong 9 tháng (Phần 2)

THAI NHI THÁNG THỨ HAI

Cho đến lúc này, phôi thai đã là một khối lớn các tế bào, một hình dạng khác biệt đã từ từ được hình thành. Ống thần kinh sẽ hình thành nên ống xương sống và não bộ (được gọi là dãi thần kinh sơ khởi) chạy dài từ đỉnh cho đến đuôi của phôi thai, phần đầu của ống thần kinh này sẽ trãi phẳng ra và hình thành nên phần não trước của thai nhi.

Tuần lễ thứ 5

Sự phát triển của bé:

Cho đến lúc này, phôi thai đã là một khối lớn các tế bào, một hình dạng khác biệt đã từ từ được hình thành. Ống thần kinh sẽ hình thành nên ống xương sống và não bộ (được gọi là dãi thần kinh sơ khởi) chạy dài từ đỉnh cho đến đuôi của phôi thai, phần đầu của ống thần kinh này sẽ trãi phẳng ra và hình thành nên phần não trước của thai nhi. Chỗ phồng ra lớn nhất ở phía trước lồng ngực của phôi sẽ hình thành nên tim của bé.

Các xét nghiệm thử thai tại nhà có thể cho kết quả dương tính ở tuần lễ này. Nếu Bạn sử dụng các dụng cụ thử thai tại nhà, Bạn nên thử vào buổi sáng sớm để có thể có kết quả chính xác nhất – vì lượng nước tiểu đầu tiên trong ngày có chứa mức hormon hCG (một loại hormon có liên quan đến thai kỳ) cao nhất.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Ngay cả khi Bạn không có những triệu chứng nôn ói, khi có thai Bạn cũng sẽ không muốn ăn một số loại thức ăn nào đó. Ngộ độc thực phẩm, như nhiễm khuẩn listeriosis và nhiễm khuẩn toxoplasmosis, có thể đe dọa đến sự an toàn của thai nhi và có thể là nguyên nhân gây ra dị tật bẩm sinh và sẩy thai. Dưới đây là một số thực phẩm mà Bạn cần tránh khi đang mang thai:

– Sữa tươi và nước ép trái cây chưa được tiệt trùng.

– Các loại thịt sống hoặc thịt tái.

– Trứng ốp la, hoặc các thực phẩm có sử dụng trứng sống như kem tươi.

– Các loại nghêu, sò, ốc chưa chín.

– Pa tê

– Các loại mắm như mắm tôm, mắm nêm, …

– Các loại rau sống

– Đu đủ sống như gỏi đu đủ

Vi khuẩn Toxoplasmosis còn có thể bị lây nhiễm từ phân chó, mèo, hoặc các đống rác bẩn ngoài vườn, vì vậy Bạn nên tránh tiếp xúc với chó, mèo hoặc các công việc quét dọn rác bẩn trong vườn.

Tuần lễ thứ 6

Sự phát triển của bé:

Ở tuần lễ thứ sáu, ống thần kinh chạy dọc theo lưng bé sẽ được đóng kín. Thêm vào đó, sẽ có một sự phát triển đáng kể về kích thước của não bộ. Các túi mắt, sau này sẽ phát triển thành mắt, đã bắt đầu phát triển trên bề mặt của đầu bé ở tuần tuổi thai này, và hình thành một đường nhỏ dẫn đến tai trong của thai nhi.

Ngay cả khi chưa có thể nghe được, tim thai nhi đã bắt đầu đập. Phần đầu của bộ máy tiêu hoá và bộ máy hô hấp cũng đã được hình thành. Những chồi nhỏ sau này sẽ phát triển thành tay và chân của bé cũng xuất hiện. Những sự phát triển này diễn ra theo một tỷ lệ cực kỳ nhỏ bởi vì lúc này thai nhi của Bạn dài vỏn vẹn từ 2 đến 4 milimet.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Các rắc rối thông thường nhất khi mang thai mà Bạn thường gặp phải sẽ xuất hiện nhiều nhất trong khoảng thời gian này. Bạn sẽ có thể cảm thấy rất mệt, ngay cả trước khi Bạn biết mình có thai vì khi đó cơ thể Bạn phải điều chỉnh cho phù hợp với tình trang thai nghén. Thêm vào đó, triệu chứng đau vú và buồn nôn hoặc thậm chí nôn ói hoặc bị ốm nghén vào buổi sáng có thể khiến Bạn cảm thấy mệt mỏi hơn là vui thích.

Tình trạng ốm nghén có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, thậm chí có thể xảy ra cả ngày. Vì vậy Bạn chớ quá lo lắng về tình trạng ốm nghén mà hãy tranh thủ nghỉ ngơi nhiều nhất nếu có thể được. Lượng hormon hCG tăng cao không chỉ làm cho Bạn cảm thấy buồn nôn mà nó còn khiến cho Bạn đi tiểu nhiều hơn thường lệ.

Tuần lễ thứ 7

Sự phát triển của bé:

Bây giờ, chiều dài của thai nhi vào khoảng 13 milimet và cân nặng khoảng 0.8 gram, bé của Bạn đã bắt đầu thích nghi với cuộc sống bên trong tử cung. Dây rốn được hình thành để cung cấp chất dinh dưỡng và thải những chất bẩn của bé ra ngoài túi ối. Thêm vào đó, bộ máy tiêu hóa và phổi của thai nhi tiếp tục được hoàn thiện hơn.

Bạn đang rất nóng lòng muốn nhìn thấy khuôn mặt đứa con thân yêu của mình vào ngày bé được sinh ra có phải không? Có lẽ Bạn phải chờ lâu đấy, nhưng trong khi chờ đợi thì khuôn mặt của bé đã đuợc định hình. Từ chiếc miệng xinh xắn cho đến chiếc mũi be bé, chỗ hõm ở vị trí tai, và sự hình thành sắc tố ở tròng đen của mắt cũng đang phát triển song song.

Bạn đang nghĩ về một bé trai hay một bé gái cùng chơi bóng với Bạn sau này có phải không? Lúc này, các chồi tay đã phát triển và chỉ qua tuần vừa rồi thôi chúng đã tách ra làm hai phần là vai và cánh tay, trông như những mái chèo bé tí xinh xinh.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Việc có thai cũng gây ra những thay đổi lớn ở cổ tử cung của Bạn. Tuần này, sẽ xuất hiện một cái nút nhầy ở đầu cổ tử cung và đóng kín tử cung cho đến lúc sanh để bảo vệ bé. Khi chuyển dạ, cái nút này sẽ tụt ra khi cổ tử cung & tử cung sẽ nở ra để chuẩn bị bước vào cuộc sanh nở.

Bạn có thể cảm thấy đau râm rang và có ra một ít máu (thậm chí cả suốt tuần lễ) vì lúc này phôi thai đang bám rễ một cách chắc chắn vào thành trong lòng tử cung. Một số thai phụ hiểu lầm việc chảy máu này là do có kinh trở lại sau khi bị trễ chu kỳ. Trong mọi trường hợp có ra máu khi đang có thai, Bạn phải gọi điện và báo ngay cho BS biết chi tiết về tình trạng hiện tại đồng thời nằm nghỉ ngơi tuyệt đối trong khi chờ BS đến.

Tuần lễ thứ 8

Sự phát triển của bé:

Được nhìn ngắm những ngón tay và những ngón chân bé xíu xinh xinh của bé là một trong những điều tuyệt diệu nhất trong cuộc đời của các bậc cha mẹ. Các ngón tay và ngón chân của bé đang được hình thành trong tuần lễ này, cánh tay bé đã có thể cử động được và có thể gập duỗi nhờ sự hình thành khuỷu tay và cổ tay. Bên cạnh đó, khuôn mặt bé cũng có những thay đổi như việc hình thành chóp mũi và môi trên, thêm nữa là lớp da trên mí mắt cũng được hình thành để sau này phát triển thành mi mắt. Máu cũng đã bắt đầu lưu thông theo một hệ tuần hoàn đơn giản nhất, hệ tiêu hoá đang ngày càng hoàn thiện hơn, đặc biệt là ruột của bé.

Phần chồi để sau này phát triển thành cơ quan sinh dục của bé cũng xuất hiện trong tuần lễ này, mặc dầu chưa rõ ràng để có thể xác định là cơ quan sinh dục nam hay cơ quan sinh dục nữ.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Các dấu hiệu có thai như mất kinh, ói mữa, mệt mỏi, cộng thêm việc quần áo bỗng trở nên chật chội do tử cung ngày càng phát triển lớn làm cho Bạn bỗng nhiên nghĩ đến việc có thai. Bạn nên thử thai tại nhà hoặc tại bệnh viện một lần nữa để xác định một cách chắc chắn về tình trạng thai nghén của mình. Sau đó Bạn nên có một cuộc hẹn với BS để chuẩn bị cho lần khám thai đầu tiên. Bạn phải được khám thai một cách cẩn thận bởi các BS chuyên khoa sản, các nữ hộ sinh, các bà mụ đỡ đẻ với bề dày kinh nghiệm hoặc các BS gia đình chuyên về sản khoa. Nếu tình trạng thai nghén của Bạn có nhiều rủi ro (ví dụ như Bạn đã từng xảy thai nhiều lần, hay Bạn đã ngoài 35 hoặc Bạn thường có những rắc rối trong những lần mang thai trước), khi đó BS có thể sẽ yêu cầu Bạn đi khám thai càng sớm càng tốt và có thể sẽ phải khám thai một cách thường xuyên hơn các thai phụ khác trong suốt quá trình mang thai liên tục cho đến lúc sanh.

Khám thai định kỳ một cách đầy đủ và tuân thủ đúng theo những hướng dẫn của BS là một điều rất quan trọng để đảm bảo tình trạng sức khỏe và bảo vệ an toàn cho thai nhi và cho cả Bạn nữa, vì vậy Bạn hãy xem các cuộc hẹn khám thai với BS là ưu tiên hàng đầu.

Tuần lễ thứ 9

Sự phát triển của bé yêu:

Đoạn cuối ở phần đáy của ống thần kinh của bé đã co lại và hầu như biến mất ở tuần lễ này. Ngược lại, đầu của bé ngày càng phát triển to hơn, trông nó lớn hẳn so với các bộ phận khác của cơ thể và nó cúi gập vào ngực bé. Ở tuần lễ này, chiều dài bé đạt khoảng 22 đến 30 milimet, cân nặng khoảng 4 gam.

Hệ tiêu hoá vẫn tiếp tục phát triển. Hậu môn của thai nhi đã hình thành, ruột của thai nhi phát triển dài hơn. Thêm nữa, các cơ quan sinh sản bên trong, như tinh hoàn hoặc buồng trứng, cũng được hình thành trong tuần lễ này.

Thai nhi của Bạn đã có thể có những cử động đầu tiên trong tuần này khi các cơ đã phát triển. Nếu được xem qua máy siêu âm, Bạn có thể nhìn thấy được những cử động của thai nhi. Tuy nhiên Bạn vẫn sẽ không tự cảm nhận được những cử động này trong cả một vài tuần tới nữa. Siêu âm còn là cách để xác định nhịp tim của trẻ.

Sự thay đổi trong cơ thể của Bạn:

Để chuẩn bị cho lần khám thai đầu tiên, Bạn hãy dành thời gian để ghi nhận lại tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình. Sau đó, ghi chép chúng lại cẩn thận. Bạn có thể trả lời một số các câu hỏi dưới đây:

– Bạn đang có một bệnh lý mãn tính nào hay không?

– Bạn có tiền sử hay bị dị ứng không?

– Bạn đã từng trải qua bất kỳ một cuộc phẫu thuật nào không?

– Bạn có thường xuyên uống một loại thuốc trị bệnh nào không ?

– Có một sự đột biến bất thường về gen nào đó đã xảy ra trong gia đình của Bạn chưa?

– Chu kỳ kinh nguyệt của Bạn có đều đặn hay không?

– Bạn đã từng có thai lần nào chưa, những lần mang thai trước đó có những rắc rối gì?

– Bạn có hay sử dụng thuốc lá hay bia rượu không?

– Bạn có thói quen tập luyện thể dục thường xuyên hay không ?

Đó là tất cả những vấn đề có liên quan đến sức khỏe mà BS cần phải thảo luận với Bạn trong buổi khám thai đầu tiên. Chính vì vậy, Bạn có thể hợp tác với BS một cách tốt nhất bằng cách Bạn hãy ghi lại chính xác những thông tin trên vào một cuốn sổ ghi nhớ để mang theo khi đi khám thai lần đầu tiên

Trả lời