Những lưu ý khi bé tới tuổi ăn dặm

Ăn dặm quan trọng không phải chỉ vì cung cấp những dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển thể chất của bé mà chúng còn giúp bé làm quen với thế giới ẩm thực muôn màu muôn vẻ.

Thời điểm ăn dặm thích hợp

Nhiều chị em rỉ tai nhau rằng: “Cho con ăn dặm sớm hẳn lên, 3 tháng sẽ ăn bột, điều này giúp bé cứng cáp lên được”, nhưng cũng có nhiều gia đình lại cho con ăn muộn vì lo lắng dạ dày bé chưa đủ khỏe mạnh để tiếp nhận được những thứ “lộn nhộn” như thế này.

Tuy nhiên, thực tế phải trên 6 tháng tuổi, khi bé bắt đầu có những kỹ năng về vận động cơ miệng thì bé mới có thể nuốt trôi được thức ăn đặc hơn, khác với phản xạ mút sữa lỏng hoàn toàn như trước đây. Thêm vào đó, bé có nhu cầu được bổ sung một lượng dinh dưỡng lớn hơn trước bởi lúc này bé đã biết bò, trườn, ngồi… chứ không đơn thuần là nằm một chỗ.

Cha mẹ hãy cho con làm quen với đồ ăn dặm khi bé trên 6 tháng tuổi và đã có biểu hiện há miệng, nhóp nhép nhai…

Tùy thể trạng từng bé, cha mẹ có thể tập cho con làm quen với bữa ăn dặm. Đương nhiên, ăn dặm phải xen kẽ với sữa mẹ, sữa công thức chứ không có nghĩa là thay thế chúng hoàn toàn.

Theo dõi khả năng dung nạp đồ ăn của con

Khi bé bắt đầu làm quen với thức ăn dặm, bạn đừng trổ tài làm món mới liên tục cho bé vội làm gì. Bạn nên để bé tập ăn một loại thức ăn trong khoảng một tuần rồi hãy chuyển qua loại thức ăn khác. Điều này sẽ giúp mẹ phát hiện xem con có thích đồ ăn đó không hay có bị ăn dặm với loại nào không.

Nếu bé thích thú khi ăn: chúc mừng bạn, bạn là người vô cùng may mắn vì con bạn dễ tính, không khảnh ăn. Còn nếu bé khóc, quấy, không chịu ăn, tiêu chảy, bạn hãy thử đổi món ăn và cho con thêm thời gian để tập làm quen với mùi vị mới.

Chọn đồ ăn thích hợp

Nhiều chị em bắt đầu dạy bé ăn dặm bằng cách cho bé yêu tiếp xúc với đồ ăn có pha thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức. Việc “hơi hơi” giống này sẽ khiến con dễ dàng tiếp nhận với tâm trạng thoải mái, không lo lắng.

Do từ lúc sinh đến 6 tháng tuổi, bé mới chỉ quen với thức ăn dạng lỏng là sữa nên việc ăn bột là hoàn toàn lạ lẫm với bé. Bạn cần giúp con làm quen dần dần từ thức ăn dặm dạng lỏng, mịn tới đặc hơn, sệt hơn.

Bữa ăn của bé luôn phải bảo đảm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính: Tinh bột (gạo, khoai, bánh mì…); Chất đạm (cá, thịt, trứng, đậu phụ…); Rau, trái cây (quả táo, quả bơ, mơ, chuối, quả đào, xoài, đu đủ, lê, mận, bí ngô, khoai lang, cà rốt, đậu Hà Lan, đậu xanh,…); Dầu thực vật, mỡ động vật (tốt nhất nên dùng dầu mè, dầu ô-liu…).

Với các loại rau củ, chị em cần nấu chín, hấp, xay nhuyễn. Nên hấp rau và trái cây cho bé ăn để giữ được lượng Vitamin và chất khoáng nhiều nhất.

Ngoài các bữa ăn dặm của con, chị em có thể cho bé uống thêm trái cây bằng việc ép lấy nước, hoặc cho bé tập ăn bằng cách dầm nhỏ trái cây mềm như chuối, đu đủ, na, xoài cho bé. Lưu ý: đồ ăn phải dễ tiêu, bởi hệ tiêu hóa của bé lúc này còn yếu ớt.

Không kéo dài thời gian ăn

Tâm lý cố ép con ăn hết bát bột, vừa ăn vừa cho con đi rong cả phố, để bữa ăn của con kéo dài tới 1, 2 tiếng là lỗi của khá nhiều bà mẹ. Điều này khiến đồ ăn của con không được đảm bảo, bị vữa, nguội, không còn ngon, dẫn đến việc bé chán ăn.

Thêm vào đó, ăn lâu nên dẫn tới thời gian bữa sau lại gần kề, con chưa kịp “thở” đã phải “chiến đấu tiếp hiệp sau”, bé sẽ có tâm lý sợ, ghét ăn, không hào hứng với việc ăn uống.

Các bà mẹ nên tập trung cho con ăn trong khoảng dưới 30 phút, nếu bé chưa ăn hết, bạn vẫn nên dọn đi luôn.

Để lại một bình luận