Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng xảy ra ở tất cả trẻ sơ sinh. Bắt đầu từ cuối ngày thứ hai đến ngày thứ năm vàng da nhiều nhất, sau đó thường trung bình, đến ngày thứ bảy thì hết vàng da. Sau sinh 2-3 ngày bạn có thể phát hiện thấy bé bị vàng da, hiện tượng trên được gọi là vàng da sơ sinh.
Vàng da thường gặp ở khoảng 60% trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh. Với những trẻ non tháng, cân nặng thấp hoặc có bệnh lý sau sinh như khó thở nhiễm trùng thì vàng da còn gặp với tỉ lệ cao hơn.
Đa số những trường hợp vàng da sẽ tự khỏi tuy nhiên nếu bị vàng da nhiều thì cần phải được điều trị.
Nếu em bé có bilirubin (là chất gây vàng da) trong máu cao thì cần điều trị bằng cách chiếu đèn (bé được chiếu đèn toàn thân với cường độ ánh sáng mạnh). Vàng da ở trẻ sơ sinh nặng có thể gây nguy hiểm nhưng chỉ khi nồng độ bilirubin trong máu tăng lên đến mức rất cao mới gây ra biến chứng cho trẻ.
Nguyên nhân của vàng da sơ sinh:
Khi nồng độ bilirubin trong máu tăng sẽ xuất hiện vàng da. Bilirubin trong máu trẻ sơ sinh tăng vì:
– Hồng cầu là những tế bào được hình thành và bị phá hủy liên tục trong cơ thể. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh thì hồng cầu bị vỡ rất nhiều. Khi hồng cầu bị vỡ sẽ giải phóng ra hemoglobin, sau đó chất này sẽ được chuyển hóa trong cơ thể và tạo thành bilirubin.
– Trước khi sinh bilirubin được đưa ra khỏi cơ thể bé qua đường rau thai để sang máu mẹ.
– Sau khi sinh thì bé phải tự đào thải bilirubin qua gan. Do lượng bilirubin được hình thành trong giai đoạn sơ sinh rất nhiều trong khi khả năng đào thải của gan vẫn còn hạn chế dẫn đến hiện tượng vàng da sơ sinh ở trẻ. Sau vài ngày khả năng thải bilirubin của gan tốt lên và vàng da sẽ giảm dần.
+ Những biểu hiện trẻ hay mắc bệnh vàng da:
– Tất cả trẻ sơ sinh đều có hiện tượng tăng bilirubin máu trong vài ngày đầu sau đẻ. Với những trẻ đủ tháng khỏe mạnh mức độ tăng bilirubin thường rất nhẹ không đủ để gây vàng da đến mức có thể phát hiện được hoặc chỉ gây vàng da rất nhẹ không gây ảnh hưởng gì cho trẻ.
– Những trẻ có nhiều những nốt bầm tím, bướu máu sẽ bị vỡ hồng cầu nhiều hơn và do vậy sẽ gây vàng da nhiều hơn.
– Trong những ngày đầu sau sinh nếu bé ăn ít và bị mất nước dễ dẫn đến giảm thải trừ bilirubin gây vàng da
– Một số trẻ bú mẹ có vàng da có thể kéo dài đến vài tuần với mức độ nhẹ điều này là do có một số protein trong sữa mẹ gây giữ bilirubin trong cơ thể em bé gây vàng da nhưng không gây tăng bilirubin đến mức gây nguy hiểm cho bé.
– Những trẻ đẻ non hoặc những trẻ có bệnh lý sau sinh (bị khó thở, nhiễm trùng) thường bị vàng da nặng hơn và nếu như bilirubin tăng quá cao sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
– Những trẻ có bất đồng nhóm máu với mẹ (mẹ nhóm O, con nhóm A hoặc B) dễ bị vàng da nặng sau sinh. Nguyên nhân là do bất đồng nhóm máu nên mẹ sinh ra kháng thể chống lại hồng cầu của con. Kháng thể này truyền sang con qua rau thai gây ra vỡ hồng cầu con rất nhiều. Vàng da trong trường hợp này thường xuất hiện rất sớm và nặng.
+ Điều trị vàng da sơ sinh:
– Đa số trẻ khỏe mạnh bị vàng da mức độ nhẹ không cần điều trị. Vì gan trẻ có thể chuyển hóa bilirubin thành dạng có thể thải được ra ngoài qua phân.
– Liệu pháp ánh sáng (chiếu đèn) có thể được sử dụng cho những bé có nồng độ bilirubin máu cao. Chiếu đèn có tác dụng biến đổi bilirubin thành dạng có thể đào thải được ra ngoài qua phân và nước tiểu. Thời gian chiếu đèn tùy theo mức độ vàng da, thường khoảng một vài ngày.
– Khi chiếu đèn trẻ sẽ được đặt nằm trong giường ấm. Trẻ được bộc lộ da toàn thân chỉ che kín mắt và bộ phận sinh dục. Như vậy da bé sẽ được tiếp xúc tối đa với ánh sáng.
– Nếu mức độ vàng da quá cao bé có thể cần phải thay máu để làm giảm nhanh bilirubin để tránh nguy cơ bilirubin thấm vào não gây ra vàng da nhân não.
+ Làm gì khi bé bị vàng da:
– Nếu thấy bé bị vàng da phải đảm bảo rằng bé được nhân viên y tế kiểm tra.
– Nếu bé vàng da kèm theo có biểu hiện không khỏe như bú kém, sốt cần đưa bé đi khám ngay lập tức.
– Nếu bé hoàn toàn khỏe mạnh có vàng da không nhiều và được nuôi bằng sữa mẹ thì có thể là vàng da do sữa mẹ.Nhưng luôn nhớ rằng sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho bé và bạn vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ bình thường.
– Cho bé ăn nhiều thêm cũng sẽ làm cho nhanh hết vàng da vì giúp bé thải nhiều bilirubin.
– Nếu con bạn không được chiếu đèn nên đặt bé gần cửa sổ nơi có nhiều ánh sáng (không được đặt bé dưới ánh nắng trực tiếp) có thể giúp làm giảm vàng da tuy nhiên hiệu quả không thể bằng được liệu pháp chiếu đèn.