Trong những tuần lễ cuối của thai kỳ, hàng triệu tế bào thần kinh phát triển giúp cho bé có khả năng nhận biết được môi trường sống xung quanh bé trong tử cung, giúp bé có thể nghe được các âm thanh, có cảm giác và thậm chí có thể nhìn thấy đôi chút gì đấy.
Tuần lễ thứ 33
Sự phát triển của bé:
Đồng tử của mắt bé có thể nhận ra ánh sáng và có thể co lại hoặc giãn ra, cho phép bé có thể nhìn thấy các hình thù lờ mờ. Cũng giống như khi bé mới sinh ra, bé ngủ hầu như suốt ngày. Bé có thể có các cử động REM của mắt (là các cử động liên tục của mắt bé trong khi ngủ), đó là thời điểm giấc mơ đang xảy ra với bé trong giấc ngủ.
Phổi của bé lúc này đã phát triển hầu như hoàn tất. Lượng mỡ dự trữ vẫn tiếp tục được tích lũy trong cơ thể bé để bảo vệ và giữ ấm cho thai nhi. Thai nhi trong tử cung gia tăng một cách rõ rệt về cân nặng trong những tuần lễ sau cùng trước khi sanh.
Thai nhi bây giờ đã có thể xác định được ngôi thai một cách chính xác nhất, BS sẽ siêu âm và cho Bạn biết thai nhi của Bạn có ngôi đầu hay ngôi mông.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Bây giờ chỉ còn chưa đầy 2 tháng là đã đến ngày Bạn chuyển dạ sanh, Bạn sẽ phải học cách để đối đầu và chế ngự các cơn đau trong quá trình chuyển dạ. Một trong những vấn đề mà Bạn nên tham khảo là những cách thông thường nhất để làm giảm thiểu các cơn đau đẻ. Bao gồm kỹ thuật thở, các thuốc giảm đau có thể được BS chỉ định và kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng- BS sẽ bơm thuốc gây tê qua một ống mêm và nhỏ được định vị ở phần dưới sống lưng của Bạn. Cho dù quyết định sau cùng của Bạn là gì đi chăng nữa, càng hiểu biết nhiều Bạn sẽ càng có những quyết định chính xác hơn. Chính vì thế, cho dù hiện tại Bạn vẫn chưa có quyết định nào cho việc sinh nở, BS vẫn sẽ cung cấp cho Bạn các giải pháp tối ưu nhất để Bạn suy nghĩ và lựa chọn.
Tuần lễ thứ 34
Sự phát triển của bé:
Lượng Canxi mà thai phụ cần phải bổ sung là hết sức quan trọng trong suốt thai kỳ. Bởi vì trong suốt quá trình mang thai, thai nhi sẽ lấy canxi từ cơ thể mẹ để hình thành nên xương. Nếu cơ thể mẹ thiếu canxi, răng và xương của thai phụ sẽ yếu đi một cách nghiêm trọng.
Trong khi đó, các tuyến thượng thận vẫn đang hoàn thiện và đang sản xuất ra các hormon để kích thích cơ thể mẹ tiết ra sữa. Các chất gây phủ bên ngoài da bé ngày càng phát triển dày thêm, ngược lại các lông măng hầu như đã rụng sạch.
Xương của bé đã phát triển khá tốt, phổi cũng đã phát triển hoàn chỉnh. Bé lúc này cân nặng khoảng 2.250 gam và dài khoảng 32 centimet. Nếu Bạn chuyển dạ sanh sớm lúc này, bé có thể thích nghi và tồn tại với môi trường bên ngoài tử cung mẹ với sự chăm sóc đặc biệt, bé có thể được nuôi trong lồng kiếng và được thở oxy trong một vài ngày.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Mệt mỏi là những phàn nàn thông thường nhất của thai phụ trong những tuần lễ cuối của thai kỳ. Khó thở, đau đầu, mất ngủ, tăng cân, những lo âu về cuộc chuyển dạ sẽ xảy ra thế nào, phải chăm sóc bé mới sinh như thế nào, … tất cả những điều đó có thể làm Bạn kiệt sức. Hãy cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn và chợp mắt bất cứ lúc nào có thể, dẹp qua tất cả những lo âu và hãy chỉ nghĩ đến sức khỏe của Bạn và bé cưng. Bạn còn có rất nhiều sự giúp đỡ khác từ phía gia đình và BS của Bạn, Bạn hãy thảo luận các mối quan tâm của mình cho người thân và BS để tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn để Bạn có thể nghỉ ngơi và đầu óc thanh thản chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ sắp tới được suôn sẽ và tốt đẹp nhất. Bạn cũng lưu ý đừng bao giờ sử dụng chất cafein để cải thiện tình trạng uể oải, lừ dừ bởi vì các chất kích thích này có thể gây ra các tác động xấu cho thai nhi.
Tuần lễ thứ 35
Sự phát triển của bé:
Thai nhi lúc này cân nặng khoảng 2.250 gam. Đây là giai đoạn tăng cân nhanh nhất của bé – khoảng nữa ký một tuần! Mỡ dự trữ vẫn được tích lũy trong cơ thể bé, đặc biệt là ở dưới hai vai.
Vì bé ngày càng phát triển nên tử cung giờ đây trở nên chật chội và làm hạn chế những cử động của bé, vì vậy bé có thể cử động ít hơn, tuy nhiên với cường độ mạnh và lắm lúc Bạn có thể cảm thấy đau lắm đấy nhé! Bạn hãy vỗ về bé, nhẹ nhàng xoa trên bụng và nói cho bé nghe những cảm nhận của Bạn về bé, rằng bé sắp sửa được ra ngoài chơi với Bạn rồi đấy!
Lúc này, đầu của bé – nếu bé có ngôi đầu, cũng bắt đầu áp vào xương mu của Bạn để chuẩn bị cho cuộc chuyển dạ sắp tới.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Bất chợt một lúc nào đó, Bạn sẽ cảm nhận có một mối liên kết chặt chẽ giữa Bạn và thai nhi đang phát triển trong bụng, nhưng cảm giác này sẽ trở nên mãnh liệt nhất ngay tại thời khắc bé yêu chào đời. Mối liên kết, một cảm giác mạnh mẽ được hình thành giữa mẹ và bé, có thể xuất hiện trong một vài phút hay một vài ngày sau khi bé sinh ra, nhưng đôi khi cảm giác này sẽ vẫn tồn tại lâu hơn nữa. Mối liên kết này sẽ khiến Bạn lúc nào cũng muốn ôm ấp, che chở và bảo vệ cho bé – một sinh linh bé nhỏ giờ đây hoàn toàn lệ thuộc vào Bạn và Bạn phải có trách nhiệm với bé. Hơn nữa, cảm giác này cũng giúp cho bé cảm thấy an toàn hơn khi phải thích nghi với điều kiện sống bên ngoài bụng mẹ sau này.
Tuần lễ thứ 36
Sự phát triển của bé:
Sự phát triển của lớp mỡ hai bên gò má và của các lớp cơ tại đây đã khiến cho khuôn mặt bé giờ đây trông rõ nét và hoàn thiện hơn. Bé bây giờ cân nặng xấp xỉ khoảng 2.750 gam.
Lượng canxi mà thai phụ bổ sung trong thai kỳ làm cho hộp sọ của bé vững chắc hơn, tuy nhiên hộp sọ bé cũng có thể thay đổi hình dạnh đôi chút trong lúc đi qua ngã âm đạo của mẹ trong khi sanh. Vì vậy bạn đừng quá ngạc nhiên khi thấy bé được sinh ra với cái đầu không được tròn trịa lắm! Đừng quá lo lắng! Một vài giờ hay một vài ngày sau, đầu bé sẽ trở nên tròn trịa ngay thôi mà!
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Bắt đầu từ bây giờ trở đi, Bạn phải khám thai hàng tuần theo sự chỉ định của BS. BS có thể sẽ phải thăm khám bên trong âm đạo để kiểm soát tình hình cổ tử cung trở nên mỏng đi và bắt đầu nở ra. Bạn có thể trải qua một cuộc vật lộn khi mà thai nhi đã lọt vào khung xương chậu để chuẩn bị cho các cơn chuyển dạ. Cảm giác thèm ăn có thể trở lại với Bạn, vì lúc này thai nhi không còn chèn ép lên dạ dày và ruột của Bạn, các triệu chứng tim đập nhanh mà Bạn từng mắc phải trong giai đoạn đầu của thai kỳ sẽ giảm đi đáng kể.