Bây giờ, thai nhi có cân nặng khoảng 450 gam. Nếu như chuyển dạ sớm và sanh non, một bé có cân nặng ít hơn 450 gam vẫn có thể sống sót dưới sự chăm sóc y tế đặc biệt, nhưng bé sẽ mắc phải một số khiếm khuyết từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Càng ngày lãnh vực chăm sóc thai nhi đã có những tiến bộ đáng kể.
Tuần lễ thứ 23
Sự phát triển của bé:
Sắc tố da của bé đang được định hình trong tuần này. Mặc dù mỡ vẫn đang được tích luỹ trong cơ thể bé nhưng da bé trông vẫn rất nhăn nheo. Sở dĩ có hiện tượng trên là do da được sản sinh nhanh hơn lượng mỡ đang tích lũy bên dưới.
Các công việc thường nhật của bé lúc này bao gồm cử động tay, chân và các ngón một cách thường xuyên. Khi đó Bạn sẽ cảm nhận được những cử động này một cách rõ ràng và Bạn sẽ có cảm giác rất hạnh phúc và sung sướng.
Bây giờ, thai nhi có cân nặng khoảng 450 gam. Nếu như chuyển dạ sớm và sanh non, một bé có cân nặng ít hơn 450 gam vẫn có thể sống sót dưới sự chăm sóc y tế đặc biệt, nhưng bé sẽ mắc phải một số khiếm khuyết từ nhẹ cho đến nghiêm trọng. Càng ngày lãnh vực chăm sóc thai nhi đã có những tiến bộ đáng kể.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Ngày sanh càng đến gần thì nỗi lo của Bạn càng tăng lên. Hay hồi hộp, đi tiểu liên tục, tim đập nhanh, chân bị chuột rút, vọp bẻ và những nỗi lo chung chung khác có thể khiến cho Bạn khó ngủ hoặc ngủ rất ít vào ban đêm. Bất chấp những nguyên nhân đó, sức khỏe của Bạn và bé phụ thuộc vào sự nghỉ ngơi của Bạn. Bạn hãy thử ngâm mình trong nước ấm để thư giãn, nghe nhạc hoặc những bài hát mà Bạn yêu thích, đọc truyện cười và dùng một tách trà thảo dược để cải thiện tình trạng mất ngủ.
Nhiều BS khuyên các thai phụ khi ngủ nên nằm nghiêng, không nằm ngữa hoặc nằm sấp bụng, vì khi ngủ ở tư thế nằm nghiêng, lượng máu lưu thông đến bánh nhau sẽ không bị hạn chế. Nếu Bạn cảm thấy không thoải mái khi ngủ ở tư thế này, Bạn nên thử kẹp một cái gối giữa hai đầu gối để lảm giảm bớt áp lực bởi trọng lượng cơ thể khi Bạn nằm nghiêng.
Tuần lễ thứ 24
Sự phát triển của bé:
Mặc dù bé vẫn nhận được lượng oxy từ bánh nhau, nhưng phổi của bé sẽ chỉ bắt đầu hoạt động để tự nhận oxy ngay sau khi bé được sinh ra. Để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài sau này, phổi bé đã bắt đầu sản xuất ra chất surfactant. Surfactant là một chất để giữ cho túi khí trong phổi không xẹp xuống và không dính lại với nhau giữa các lần hít vào, làm cho ta có thể thở một cách dễ dàng.
Bởi vì tai trong của bé đã phát triển hoàn chỉnh, nên bé có thể giữ cho cơ thể cân bằng trong khi đang bơi lơ lửng hoặc chuyển động trong túi nước ối. Tai trong có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho cơ thể.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Một xét nghiệm tiền sản nữa cũng rất quan trọng, đó là xét nghiệm đường huyết của thai phụ, được thực hiện một vài lần từ tuần thứ 24 cho đến tuần thứ 28. Kiểm tra lượng đường huyết để biết Bạn có mắc bệnh tiều đường trong thai kỳ hay không, đó là một bệnh lý tiểu đường nhất thời xuất hiện trong quá trình mang thai và có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh. Bệnh lý tiểu đường khi mang thai có thể gia tăng nguy cơ các thai phụ phải được mổ bắt con do bệnh lý này có thể tác động đến các hormon tăng trưởng làm cho thai nhi có kích thước lớn một cách bất thường. Khi xét nghiệm đường huyết, Bạn sẽ uống một dung dịch đường và sau đó Bạn sẽ được lấy máu. Nếu lượng đường trong máu của Bạn bất thường, Bạn sẽ phải thực hiện thêm một vài xét nghiệm tiếp theo nữa. Bệnh tiểu đường trong thai kỳ có thể được chế ngự bằng các chế độ ăn kiêng, tuy nhiên trong một vài trường hợp, sử dụng insulin hàng ngày để chữa bệnh là rất cần thiết cho thai kỳ của Bạn.
Tuần lễ thứ 25
Sự phát triển của bé:
Hai tay của bé giờ đây đã phát triển hoàn chỉnh, với những móng tay nhỏ xinh, bé có thể cảm nhận được những gì xung quanh, bao gồm làn da của chính bé và ngay cả dây rốn. Sự khéo léo của đôi tay cũng ngày càng hoàn thiện, các ngón tay giờ đây có thể cuộn lại như một cái nắm đấm.
Bạn có thể nhận thấy bé có những giai đoạn nghỉ ngơi và hoạt động khác nhau. Bạn có thể cảm nhận được những chuyển động của thai nhi một cách dễ dàng hơn ở tư thế ngồi. Khả năng nghe của bé cũng đang phát triển trong giai đoạn này và bé có thể nghe được giọng nói thân quen của Bạn !
Sự thay đổi trong cơ thể:
Tình trạng mang thai là nguyên nhân dẫn đến một vài tác động khó chịu đến hệ tiêu hóa của Bạn. Không chỉ các hormon progesterone làm chậm lại quá trình tiêu hoá, mà việc kích thước tử cung ngày càng lớn sẽ chèn ép lên ruột của Bạn. Điều đó dẫn đến kết quả là Bạn bị rối loạn tiêu hoá và tim đập nhanh. Các triệu chứng này có thể biến những bữa ăn ngon miệng mà Bạn rất thích thành những cơn ác mộng. Để cải thiện các triệu chứng này Bạn nên ăn một cách chậm rãi, chia làm nhiều bữa ăn với lượng thức ăn ít hơn thay vì ăn ít bữa mà mỗi bữa quá nhiều thức ăn, tránh ăn các thức ăn có quá nhiều gia vị và dầu mỡ.
Tuần lễ thứ 26
Sự phát triển của bé:
Ở những tuần lễ trước, mắt bé vẫn khép kín để cho võng mạc phát triển. Nhưng ở tuần lễ này, mắt bé đã có thể mở ra và bé bắt đầu có thể chớp mắt được rồi đấy. Tùy vào từng sắc tộc mà các bé có thể được sinh ra với các màu mắt khác nhau như màu xanh, màu nâu hay màu đen. Những sợi lông mi nhỏ cũng đang phát triển ở tuần lễ này và tóc trên đầu bé vẫn tiếp tục dài ra.
Lúc này bé cân nặng khoảng 850 gram và trông bé vẫn còn rất nhăn nheo, nhưng bé vẫn sẽ tiếp tục tăng cân một cách đều đặn ở 14 tuần kế tiếp cho đền lúc được sinh ra.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Tử cung của Bạn vẫn là một chiếc nôi hết sức êm ái để bảo vệ và nuôi dưỡng bé cho đến khi được sinh ra. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau khi nhóc cưng được sinh ra? Bé sẽ bò lung tung khắp nhà và nghịch ngợm đủ thứ và khi đó Bạn sẽ thực sự không còn thời gian để mà dọn dẹp nữa đấy chứ. Vì vậy, ngay bây giờ, hãy cùng với ông xã dành chút thời gian để dọn dẹp cho căn nhà Bạn trở thành một nơi an toàn dành cho bé sau này. Bạn hãy dán kín các ổ điện hoặc sử dụng ổ điện âm để an toàn hơn, vứt đi hoặc cất kỹ những đồ vật sắc nhọn, lắp đặt hệ thống báo cháy và báo khói nếu có thể, và che chắn các bậc cầu thang bằng các cánh cửa nhỏ để tránh việc bé có thể té ngã từ trên cao xuống. Đó là những việc cơ bản nhất mà Bạn nên làm ngay bây giờ để tránh những mối nguy hiểm có thể xảy ra cho bé sau này. Bạn hãy rà soát một cách kỹ lưỡng một lần nữa từ trước đến sau, từ trong ra ngoài xem tất cả các vật dụng nguy hiểm đã nằm ngoài tầm với của bé chưa, đặc biệt là nên lưu ý cẩn thận với các loại dược và mỹ phẩm mà bé có thể tò mò nuốt hoặc uống vào. Luôn nhớ rằng điều tốt nhất Bạn có thể làm cho bé khi đó là Bạn nên chăm sóc và giám sát bé một cách cẩn thận.
Tuần lễ thứ 27
Sự phát triển của bé:
Đây là tuần lễ đầu tiên trong quý cuối của thai kỳ, nhìn bé bây giờ không khác mấy khi bé được sinh ra sau này, chỉ có hơi ốm và nhỏ hơn. Phổi, gan và hệ miễn dịch của bé vẫn còn cần phải hoàn thiện hơn nữa. Nếu vì một lý do nào đó bé buộc phải sanh non, có đến 85% cơ hội sống sót với sự chăm sóc y tế đặc biệt.
Khả năng nghe của bé vẫn đang dần hoàn thiện, bé đã có thể nhận ra giọng nói của mẹ và ngay cả giọng nói của Ba. Âm thanh bé nghe được có thể chưa rõ lắm vì tai của bé lúc này vẫn được bao phủ bởi một lớp màng nhầy.
Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:
Lúc này Bạn có thể sẽ thấy những vết rạn màu hồng trên bụng và trên vú. Các triệu chứng như ợ chua, khó tiêu và khó ngủ thường xuyên xuất hiện hơn và đôi lúc Bạn có thể mơ các giấc mơ về sự sinh nở. Tuy nhiên Bạn hãy yên tâm, vì tất cả những điều đó là bình thường.
Khả năng chăm sóc và bảo vệ thai nhi vẫn được cơ thể Bạn thực hiện theo bản năng trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên để chăm sóc một bé sơ sinh sau này phải cần đến một kỹ năng thật sự, vì không dễ dàng một chút nào để chăm sóc cho một bé mới sinh với những đòi hỏi bất tận của bé. Bạn nên liên hệ với các khóa học dành cho thai phụ tại các trung tâm y tế địa phương hoặc các bệnh viện để được học về các đề tài như sự sinh nở, cách giảm thiểu các cơn đau trong khi chuyển dạ, những kinh nghiệm cần thiết cho thai phụ sau khi sinh. Học tất cả những khóa học cần thiết về sự sanh nở và cách chăm sóc trẻ sẽ khiến Bạn cảm thấy tự tin hơn, nhất là đối với những Bạn lần đầu tiên được làm cha mẹ.