Khi trẻ sơ sinh đã bị mụn sữa (hay còn gọi nang kê). Đây là một dạng mụn trứng cá phổ biến ở trẻ sơ sinh: có tới 20% số bé sinh ra bị mụn sữa. Mụn sữa ở trẻ sơ sinh là mụn nhỏ li ti hai bên má có thể lan đến cằm, trán, lưng và có thể gây ngứa. Nổi mụn sữa không nguy hiểm, thường tự hết trong vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tháng. Nếu trong vòng 3 tháng mụn vẫn chưa biến mất thì bạn nên đưa các cháu đi khám da liễu.
Nếu mụn sữa bị vỡ, da sẽ tấy đỏ và rỉ dịch. Mụn sữa càng đỏ tấy hơn khi cơ thể bé nóng lên, hay khi da bé bị kích thích khi tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ hay các chất tẩy rửa.
Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các nhân tố đường tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện của trẻ, có thể do trẻ không hợp sữa, chứa nhiều đạm albumin hoặc do thức ăn dặm “nóng”.
Cần phân biệt mụn sữa với rôm sảy do nóng bức, đổ mồ hôi, tã lót hay quần áo của bé không thông thoáng. Bạn cần giữ vệ sinh khô thoáng cho bé, nếu mụn sữa mọc ở vùng bẹn, nách thì dùng thêm phấn rôm sảy, thử thay đổi nhãn sữa hoặc chế độ ăn giảm các đồ lạ, khó tiêu như tôm, cua, trứng…
Bạn có thể điều trị cho bé như sau:
Vệ sinh ăn uống: ngoài việc chú ý chất lượng thức ăn cũng như thời gian cho bé ăn hợp lý cần đặc biệt chú ý đến những thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ. Cách tốt nhất là nấu lại sữa vài lần để phân hủy chất albumin gây dị ứng hoặc dùng sữa đậu nành thay cho sữa bò. Nếu bé đang bú mẹ thì mẹ cần chú ý tránh các thức ăn tanh.
Chăm sóc da: da của bé sơ sinh và trẻ nhỏ non vì thế cần tránh cọ xát mạnh hoặc sử dụng xà phòng có tính kích thích mạnh. Quần áo của trẻ cũng cần thoáng, sạch, không nên sử dụng quần áo lông trực tiếp có thể gây ngứa cho trẻ, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp lên da bé. Trong thời gian bé bị mọc mụn không nên bôi bất kỳ loại kem hay thuốc gì lên mụn nếu chưa được sự đồng ý của bác sĩ, cũng không nên chạm tay hay chà xát lên các đốm mụn, như thế rất mất vệ sinh, có thể làm mụn viêm nhiễm và làm cho tình trạng mụn trở nên xấu hơn. Trẻ vẫn cần được tắm rửa hàng ngày với nước sạch đun sôi để nguội và sữa tắm dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh. Sau khi tắm phải lau khô người cho trẻ bằng khăn bông mềm mại.
Trị liệu cục bộ: mụn sữa lành tính với trẻ, nhưng nếu mụn vỡ có mủ, nên đưa bé đi khám bác sĩ, để tránh viêm nhiễm và hạn chế tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
Cũng như bệnh ban đỏ, mụn sữa có thể biến chứng với những biểu hiện như: mụn đỏ, chảy nước, kết vảy, lúc này theo hướng dẫn của bác sĩ, cha mẹ có thể sử dụng một số loại thuốc khử trùng đặc hiệu.
Mụn sữa chỉ kéo dài trong khoảng 6 tháng và phần lớn đều tự khỏi do đó cha mẹ không nên quá lo lắng.
Ths.Bs. Nguyễn Vũ Anh Dũng