Viêm xoang có thể gặp ở trẻ em, kể cả trẻ sơ sinh nhưng rất hiếm, khoảng 0,1% trong tổng số các bệnh nhân bị viêm xoang.
Viêm xoang ở trẻ nhỏ chủ yếu là viêm hệ thống xoang sàng. Viêm xoang hàm và xoang sàng thường gây ra biến chứng này. Bệnh nhân không nhức đầu, không ngạt mũi mà đi khám vì ho, khạc ra đờm đôi khi cả máu, sốt nhẹ về chiều, ăn kém ngon. Bệnh đầu tiên nghĩ đến là lao nhưng xét nghiệm đờm, chụp phổi, tốc độ máu lắng, BCG test… đều không có biểu hiện là lao. Tuy nhiên, khám tai mũi họng thấy mủ ở ngách giữa, Xquang thấy xoang mờ.
Viêm xoang trẻ nhỏ khác với người lớn, đây không phải là người lớn thu nhỏ mà ở lứa tuổi này hệ thống xoang đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Hệ thống xoang mặt bắt đầu được hình thành từ tuần thứ tư của thời kỳ bào thai, xuất phát từ một tế bào sàng. Tế bào sàng phát triển xâm lấn vào các xương để tạo thành các xoang khác nhau như xâm lấn vào xương trán tạo xoang trán, xâm lấn xương hàm trên tạo xoang hàm và xâm lấn vào xương bướm để hình thành xoang bướm. Chính vì vậy các xoang có liên hệ mật thiết với nhau nên thường bị viêm nhiều xoang cùng một lúc.
Xoang sàng có ngay từ khi trẻ ra đời nhưng những các xoang khác dần được tạo thành: xoang hàm có khi trẻ 3 – 4 tuổi, xoang trán và xoang bướm chỉ xuất hiện khi trẻ được 7 – 8 tuổi. Hệ thống xoang chỉ hoàn thiện ở người 20 tuổi. Kích thước các xoang của trẻ rất nhỏ, đôi khi mới chỉ là một rãnh hằn vào xương làm cho việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn.
– Viêm xoang ở trẻ nhỏ thường bắt đầu từ các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ nhỏ có xu hướng gia tăng, hay gặp nhất là các trẻ có cơ địa dị ứng hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, phải hút khói thuốc lá thụ động, hơi khói của các khu công nghiệp, bếp than… sự giảm dần của diện tích cây xanh trong môi trường sống.
– Làm thế nào để phân biệt trẻ bị viêm xoang với một đợt viêm đường hô hấp trên cấp tính. Sau một đợt viêm mũi họng cấp kéo dài trên 1 tuần (viêm nhiễm đường hô hấp trên chỉ kéo dài trung bình 5 – 7 ngày là hết), trẻ vẫn còn sốt nhẹ, người mệt mỏi, xì mũi màu vàng, xanh đặc, có mùi hôi. Trẻ thường xuyên có cảm giác chảy đờm từ mũi xuống họng nên gây ho, nhất là ban đêm khi ngủ. Hơi thở hôi và dễ nôn oẹ. Trẻ bú không được dài hơi như khi đang khoẻ do tắc mũi. Trẻ hay quấy khóc, thở ngáy, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi kèm theo hốc mắt có quầng thâm. Trẻ hay phàn nàn bị đau đầu nặng mặt, dễ buồn ngủ. Đôi khi trong đợt viêm cấp mặt trước của má bị sưng nề đỏ, ấn đau hoặc có biểu hiện sưng nề, đóng bánh ở góc trong ổ mắt do hiện tượng viêm xoang sàng rò mủ ra ngoài da. Khám bệnh thấy tình trạng niêm mạc mũi bị phù nề, xuất tiết nhiều dịch, khe giữa đọng nhiều mủ vàng xanh. Một số trượng hợp viêm mũi xoang lâu ngày dẫn tới hình thành polip mũi. Quan sát họng miệng thấy mủ vàng xanh bám đầy thành sau họng xuống tận dưới hạ họng. Màng tai thường dày đục và lõm, một số trẻ có hiện tượng ứ đọng dịch trong hòm tai-viêm tai giữa thanh dịch – do sự thông khí kém giữa tai và mũi họng.
– Viêm xoang ở trẻ nhỏ nếu không được điều trị đúng có thể gây nên một số biến chứng, có loại biến chứng rất nguy hiểm. Một loại biến chứng hay gặp là đau nhức đầu và những khó chịu khác như luôn có cảm giác chất nhầy chảy ra phía sau thành họng (đối với các trẻ đã lớn luôn cảm nhận được).
Một số biến chứng nguy hiểm tuy ít gặp như: viêm mắt làm cho trẻ sụp mi, giảm cảm giác giác mạc tạo nên hội chứng đỉnh ở mắt gây đau dữ dội. Cũng có trường hợp tạo thành huyết khối trong các xoang hang nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây mù mắt. Tỷ lệ biến chứng viêm màng não, áp-xe não, viêm xương tuy rất thấp nhưng cũng cần được quan tâm đúng mức
– Cách phòng tránh bệnh viêm xoang ở trẻ nhỏ: Viêm xoang ở trẻ thường do vi khuẩn gây bệnh cơ hội sau khi hoặc trẻ đang mắc một bệnh khác, vì vậy, để hạn chế trẻ mắc bệnh viêm xoang nên quan tâm một số vấn đề sau đây:
Vệ sinh răng miệng hàng ngày cho trẻ. Đây là một việc làm thường xuyên của các bà mẹ, các cô nuôi dạy trẻ, bảo mẫu. Việc làm này tuy đơn giản nhưng rất có ích trong việc ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp và bệnh về tai, mũi, họng, cũng như ngăn ngừa bệnh viêm xoang cho trẻ
Khi nghi trẻ mắc bệnh về tai, mũi, họng nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt, để được điều trị dứt điểm không để trẻ mắc bệnh kéo dài, tái đi tái lại nhiều lần như: bệnh VA, viêm amiđan, viêm mũi, họng… Khi được chỉ định điều trị bằng kháng sinh cần dùng đủ ngày và đúng liều.