Khi chào đời, trẻ sơ sinh bắt đầu phải thở, tự ăn và bài tiết mỗi ngày, phải chống chọi với các loại vi khuẩn từ môi trường chung quanh để sinh tồn. Từ đây trẻ sẽ lớn dần lên, các cơ quan, bộ phận từ từ trưởng thành để giúp trẻ ngày càng thích nghi tốt với cuộc sống. Hơn bao giờ hết, dinh dưỡng trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng tối ưu sẽ giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất. Vì thế, bé cần được đảm bảo có được một chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó đặc biệt chú trọng tới sữa mẹ, sữa bột và thức ăn dặm cho bé.
– Năm đầu đời, trẻ cần nhiều dưỡng chất nhất là sữa mẹ: Sữa mẹ rất quý cho 6 tháng đầu đời
Sữa mẹ được chia thành: Sữa non; Sữa chuyển tiếp; Sữa vĩnh viễn.
– Sữa non: Rất giàu năng lượng, đầy đủ các vitamin và các dưỡng chất cần thiết giúp bé sơ sinh tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, bệnh đường ruột và chứng vàng da sơ sinh.
Sữa non tiết ra ngay sau khi sinh. Các mẹ nên cho bé bú ngay và nếu không có điều kiện cho bú thì nên vắt sữa rồi cho bé bú sau đó.
– Sữa chuyển tiếp: Là dòng sữa xuất hiện từ tuần thứ 2 sau khi sinh.
– Sữa vĩnh viễn: Là dòng sữa theo bé trong quá trình phát triển sau này. Dòng sữa này tăng và ổn định về số lượng cũng như chất lượng các thành phần dinh dưỡng. Tuy nhiên, sữa vĩnh viễn bị ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng, tâm lý, hoạt động của mẹ.
Trong vòng 6 tháng đầu tiên, trung bình mỗi ngày mẹ có thể tiết khoảng 600–1.000ml sữa cho con. Tuy nhiên, bài toán khó cho dinh dưỡng năm đầu đời không phải làm thế nào để cung cấp cho trẻ đủ lượng dưỡng chất cần thiết mà chính là cung cấp các chất dinh dưỡng như thế nào, để cơ thể bé nhỏ của trẻ có thể tiêu hóa và hấp thu được.
Ngoài ra sữa mẹ còn có 1 số điểm nổi bật:
– Rất vệ sinh và lại sẵn có mọi nơi, mọi lúc.
– Chất đạm và chất béo trong sữa mẹ dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ.
– Sữa mẹ có men lypase giúp tiêu hóa chất mỡ. Có chứa nhiều đường lactose là chất thiết yếu cho cơ thể đang phát triển của bé.
– Sữa mẹ có chứa DHA giúp bé phát triển não và mắt.
– Các thành phần trong sữa công thức dù có gấp đôi các thành phần trong sữa mẹ nhưng vẫn không thể đạt được sự phối hợp và thành phần chính xác như trong sữa mẹ.
– Sữa mẹ giúp bé chống một số bệnh như: nhiễm trùng tai, nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy, viêm màng não, hen suyễn, đái tháo đường, béo phì, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh… là điều mà sữa công thức không làm được. Các bé bú sữa bình dễ bị nhiễm trùng và tỉ lệ nhập viện cao hơn.
– Sữa mẹ rất có lợi cho hệ tiêu hóa của bé. Bé sẽ tiêu hóa trọn vẹn một cữ bú mẹ trong một tiếng rưỡi hay 2 tiếng, trong khi bú sữa bình thì thời gian này sẽ lâu hơn gấp đôi.
– Cho bú sữa mẹ sẽ giúp bé tăng chỉ số IQ.
– Sữa mẹ có nhiều vị khác nhau theo thức ăn của mẹ. Thức ăn tốt giúp bé bú nhiều hơn và tránh được táo bón. Ngoài ra mẹ có thể dùng máy hút sữa bằng tay hoặc bằng máy để cho bé bú.
Khi bước vào tuổi ăn dặm, mỗi loại thực phẩm sẽ cung cấp cho bé một loạt các chất dinh dưỡng khác nhau.
Chất béo:
Lý do chất béo quan trọng: Chất béo cung cấp cho bé các axit béo thiết yếu, cần thiết cho tất cả các quá trình phát triển của cơ thể, nhất là não.
Nguồn thực phẩm giàu chất béo: Sữa mẹ (50% sữa mẹ là chất béo), sữa công thức, phômai, sữa chua, dầu olive, thịt, trứng…
Lượng chất béo bé cần: Bé bú mẹ (hoặc bú bình) hàng ngày nhưng bạn có thể bổ sung phômai, bơ hoặc trứng khi bé ăn dặm.
Vitamin:
Lý do nó quan trọng: giúp bé khỏe mạnh và cần thiết cho toàn bộ cơ thể bé, từ mắt cho tới hệ miễn dịch.
Nguồn thực phẩm tốt: Vitamin tan trong chất béo (như vitamin A, D, E, K) được tìm thấy trong dầu thực vật, thực phẩm từ sữa, gan và dầu cá. Vitamin tan trong nước (chẳng hạn như vitamin C và vitamin nhóm B) được tìm thấy trong trái cây, rau và ngũ cốc.
Bé của bạn cần: Các vitamin trong sữa công thức đáp ứng hầu hết nhu cầu của bé nhưng nếu bé lười bú, từ 6 tháng tuổi bé có thể cần bổ sung vitamin A, C và D dưới dạng giọt. Có thể dùng túi lọc trái cấy cho bé để bé có thể mút nhiều loại trái cây.
Gợi ý lượng thức ăn dưới một tuổi
Khi bé bắt đầu ăn dặm, nên cung cấp cho bé 1-2 môi canh gạt thức ăn một bữa mỗi ngày. Thêm bữa thứ hai khi bé có phản ứng tốt sau 1-2 tuần.
Từ 6 tới 8 tháng:
Bé nên nhận được các loại ngũ cốc ăn dặm, hoa quả, rau xanh… Thêm 6-8 cữ bú mẹ và sữa công thức.
– Bữa sáng: Khoảng một môi canh gạt ngũ cốc ăn dặm dành cho bé. Không cần phải gắn bó với ngũ cốc gạo, có thể đổi sang ngũ cốc khác như yến mạch và lúa mạch.
– Bữa trưa: Khoảng một môi canh gạt ngũ cốc ăn dặm dành cho bé, khoảng nửa tới một môi canh gạt xay nhuyễn rau củ quả (táo, xoài chín, khoai lang, đậu Hà Lan) trộn chung với ngũ cốc ăn dặm.
– Bữa tối: Khoảng một môi canh gạt ngũ cốc ăn dặm dành cho bé. Nửa môi canh gạt rau củ quả (như carrot, bí xay nhuyễn; chuối chín, quả mơ xay nhuyễn).
Sau khoảng 2 tuần, có thể chuyển sang cho bé ăn dặm bột mặn với thịt, cá, đậu… nhưng không nên nêm muối vào bột ăn dặm cho bé. Ban đầu có thể cho bé ăn 1-2 thìa café thịt xay nhuyễn trong một bữa bột, cùng với một nửa tới một môi canh gạt rau củ băm nhuyễn. Sau đó, có thể tăng dần lên 3-4 thìa café thịt hay cá trong mỗi bữa.
Từ 8 tới 12 tháng:
Thêm các loại thịt, cá… và thực phẩm ăn bốc vào thực đơn hàng ngày cho bé. Bé tiếp tục nhận được 4-6 cữ bú mẹ, cộng với sữa công thức.
– Bữa sáng: Khoảng một môi canh bột gạo nấu cùng nửa tới một môi canh gạt hoa quả như kiwi thái hạt lựu; chuối, xoài chín, dưa hấu hoặc dưa vàng. Hoặc có thể nấu bột mặn với rau, thịt cho bé ăn sáng.
– Ăn trưa: Khoảng 1-2 môi canh gạt bột; nửa tới một môi canh rau và nửa tới một môi canh thịt, cá…
– Bữa tối: Khoảng 1-2 môi canh bột; nửa tới một môi canh gạt rau xay nhuyễn; nửa tới một môi canh gạt thịt xay nhuyễn như thịt gà hoặc thịt bò.
Tới 8 tháng, bạn không nên xay nhuyễn thức ăn dặm mà nên xay vừa để bé có thể làm quen với thức ăn dạng cục, kích thích bé học nhai và nuốt thức ăn. Giai đoạn này, nhiều bé cũng không còn thích ăn bột lỏng, nhuyễn nữa mà thích ăn cháo xay hơn.
– Cha mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm những bữa phụ trong ngày với hoa quả, bánh, sữa chua, váng sữa… để bé ngon miệng và bổ sung đủ dinh dưỡng cho bé.
Thức ăn nên và không nên dưới một tuổi
Có những loại thức ăn được khuyến khích và cần tránh, tùy thuộc vào tháng tuổi của bé nhà bạn. Khi bé phát triển, nhu cầu dinh dưỡng phải thay đổi theo, vì thế danh sách các loại thức ăn nên và không nên cũng cần thay đổi.
Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi:
Thức ăn cần khuyến khích: Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho bé dưới 6 tháng tuổi. Các chuyên gia cho biết, cần cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời mà không cần bổ sung bất kỳ thức ăn nào khác.
Giai đoạn từ 6 tháng tới 12 tháng:
Đồ ăn nên khuyến khích
– Hoa quả, rau xanh; sữa chua, phômai…
– Thịt, cá, đậu đỗ nhưng không phải cá kiếm, cá mập và cá marlin. Bởi vì những loại cá này chứa hàm lượng thủy ngân tương đối cao, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bé.
– Ngũ cốc: Ở tháng tuổi thứ 8, bé có thể ăn thực phẩm chứa gluten; vì thế, bé có thể bắt đầu ăn bánh mỳ, bánh mỳ que, mỳ ống nhưng cần lưu ý để tránh hóc, nghẹn cho bé.
Đồ ăn nên tránh
– Sữa và sản phẩm từ sữa bị rút chất béo: Bé dưới 2 tuổi cần chất béo đầy đủ để đáp ứng lượng kalo và vitamin A cho quá trình tăng trưởng.
– Cá kiếm, cá mập và cá marlin nhiều thủy ngân, không hợp với bé dưới 16 tuổi.
– Ngũ cốc giàu chất xơ có thể gây rối loạn tiêu hóa do bé không hấp thu được.
– Các loại hạt, nếu gia đình bạn có tiền sử dị ứng hạt, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé ăn hạt.
– Mật ong, đường, muối.