Sự phát triển của thai nhi trong 9 tháng (Phần 3)

THAI NHI THÁNG THỨ BA

Ở tuần lễ thứ 10, tất cả các cơ quan nội tạng của bé hầu như đã được hình thành đầy đủ và bắt đầu hoạt động một cách nhịp nhàng với nhau. Não bộ phát triển với tốc độ rất nhanh vào tuần lễ này, có khoảng 250.000 tế bào thần kinh mới được sản sinh ra mỗi một phút!

Tuần lễ thứ 10

Sự phát triển của bé:

Ở tuần lễ thứ 10, tất cả các cơ quan nội tạng của bé hầu như đã được hình thành đầy đủ và bắt đầu hoạt động một cách nhịp nhàng với nhau. Não bộ phát triển với tốc độ rất nhanh vào tuần lễ này, có khoảng 250.000 tế bào thần kinh mới được sản sinh ra mỗi một phút!

Khi những thay đổi bên ngoài diễn ra như sự tách biệt rõ ràng của các ngón tay và các ngón chân và đoạn cuối của sống lưng biến mất, thì các thay đổi bên trong cũng đang diễn ra cùng lúc. Các mầm răng bên trong miệng cũng được hình thành, và nếu là một bé trai thì tinh hoàn của bé cũng bắt đầu sản xuất ra các hormonsinh dục nam trong tuần lễ này.

Các dị tật bẩm sinh thường không xảy ra sau tuần lễ thứ 10. Tuần lễ thứ 10 cũng là điểm mốc kết thúc giai đoạn thứ nhất của thai kỳ, bé yêu của Bạn giờ đây đã được xem như là một thai nhi.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Lần khám thai đầu tiên của Bạn, được thực hiện trong khoảng thời gian này, là một điểm mốc quan trọng. Tại phòng mạch hoặc tại bệnh viện, BS sẽ thực hiện hàng loạt các xét nghiệm và kiểm tra, bao gồm cả việc kiểm tra cân nặng và huyết áp của Bạn. Bạn có thể được thăm khám vùng bụng để xác định kích thước cũng như vị trí của bào thai cũng như được thực hiện một số các xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu. Trong lần khám thai đầu tiên này, BS cũng sẽ khám bên trong âm đạo cũng như thăm khám vú cho Bạn. BS cũng sẽ hỏi Bạn một số câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình để xác định xem bé của Bạn có gặp những rủi ro nào về các bệnh lý di truyền hay không. Một vấn đề nữa mà các BS sẽ phải tiến hành kiểm tra, đó là nhịp tim của bé! Bằng sự trợ giúp của siêu âm, Bạn có thể nghe thấy được những nhịp đập đầu tiên của tim bé.

Sau lần khám thai đầu tiên, BS sẽ gởi cho Bạn các kết quả xét nghiệm máu, để xác định Bạn có phải chích ngừa miễn dịch các loại bệnh như thủy đậu, bệnh sởi, bệnh quai bị, và bệnh sởi Đức (Rubella), đồng thời Bạn có thể biết được nhóm máu và yếu tố Rh. Yếu tố Rh là một chất được tìm thấy trong các tế bào máu của mỗi người. Nếu Bạn có yếu tố Rh- nhưng con Bạn lại có Rh+, thì thể dẫn đến kết quả là các tế bào hồng cầu trong máu của bé sẽ bị phá vỡ (gọi là tán huyết do bất tương đồng nhóm máu hệ Rh- Rhesus). BS sẽ ngăn ngừa tình trạng này bằng cách cho Bạn chủng ngừa miễn dịch globulin Rh vào tuần lễ thứ 28 và chích nhắc lại một lần nữa sau khi sinh.

Tuần lễ thứ 11

Sự phát triển của bé:

Từ tuần lễ này cho đến tuần lễ thứ 20, bé của Bạn sẽ lớn lên một cách nhanh chóng. Với kích thước dài 44-60 milimet, cân nặng khoảng 8 gram ở các tuần trước, thì ở tuần thứ 20 thai nhi đã dài từ 14 đến 16 centimet và cân nặng khoảng 260 gram. Để tương xứng cho tốc độ phát triển này, các mạch máu trong bánh nhau phải tăng trưởng gấp đôi về kích cỡ cũng như về số lượng để có thể cung cấp cho thai nhi đầy đủ dưỡng chất.

Khuôn mặt bé cũng đang dần hoàn thiện, như hai lỗ tai sẽ di chuyển lên phía trước và định vị ở hai bên đầu bé. Nếu có thể nhìn thấy hình dạng của bé bây giờ, Bạn sẽ nghĩ rằng Bạn đang sở hữu cho riêng mình một em bé thiên tài – vì Bạn biết không, đầu của bé bây giờ chiếm một nửa chiều dài thân mình bé, có nghĩa là bây giờ đầu của bé rất to so với cơ thể.

Cơ quan sinh dục của bé cũng phát triển nhanh chóng trong tuần lễ này. Lúc đầu, một mẩu nhỏ của cơ hình thành nên cơ quan sinh dục ngoài, cho dù Bạn chưa có thể biết được đó là bé trai hay bé gái. Tiếp theo, các mô sẽ phát triển thành dương vật ở bé trai hoặc âm vật và môi âm hộ ở bé gái. Vào cuối tuần này, đã có thể nhìn thấy được cơ quan sinh dục ngoài của bé.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Những nhu cầu về dưỡng chất của bé là nguyên nhân khiến Bạn tăng cân, và trong hầu hết các trường hợp, thai phụ tăng cân từ 12 đến 15 kg trong suốt thai kỳ. Trọng lượng tăng bao gồm cân nặng của bé, bánh nhau, nước ối và thể tích máu gia tăng, sự gia tăng kích thước của tử cung và của hai vú. Thai phụ thường tăng khoảng 2 kg trong quý đầu của thai kỳ, tăng khoảng 5 kg trong quý thứ hai và khoảng 4 kg trong suốt quý cuối của thai kỳ. Trong trường hợp nếu Bạn tăng cân quá nhiều hay tăng cân quá ít đều không có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé, khi đó BS sẽ chỉ định các phương pháp giúp cho Bạn điều chỉnh cân nặng một cách hợp lý trong suốt quá trình mang thai.

Tuần lễ thứ 12

Sự phát triển của bé:

Khuôn mặt bé giờ đây đã rõ nét hơn rất nhiều, hoàn chỉnh với chiếc mũi và cái cằm nhỏ xinh. Não bộ vẫn tiếp tục phát triển, những móng tay và móng chân nhỏ nhắn cũng đã được hình thành.

Ruột của bé giờ đây có lẽ đã vừa khít với ổ bụng của bé. Thêm vào đó, do thể tích máu của mẹ gia tăng nên nhịp tim của thai nhi cũng tăng theo.

Bạn chưa từng phải thay một cái tả ướt bao giờ phải không, không bao lâu nữa Bạn sẽ phải thực hiện việc đó thường xuyên lắm đấy! Bây giờ, lượng nước tiểu đầu tiên của bé được tạo ra và được thải ra bọc nước ối. Điều đó có nghĩa là thận của bé đã hình thành & bắt đầu hoạt động tốt.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Bạn có bao giờ nghe người khác nói về hiện tượng các thai phụ khi có bầu bỗng dưng trở nên xinh đẹp hơn. Bạn sẽ cảm nhận được điều này vì khi Bạn có thai, có một nguyên nhân sinh lý khiến cho da của Bạn trở nên hồng hào, căng mịn và sáng bóng hơn trong suốt quá trình mang thai. Sự gia tăng thể tích máu, các hormon trong thai kỳ và hormon hCG hoạt động một cách ăn ý với nhau khiến Bạn có những thay đổi như vậy. Thể tích máu tăng sẽ đem lượng máu nhiều hơn đến các mạch máu nhỏ và hCG làm gia tăng tuyến dầu dự trữ dưới da làm cho da Bạn trở nên mượt mà hơn. Nhưng đôi khi lượng dầu gia tăng quá mức là nguyên nhân khiến Bạn bị nổi mụn.

Tuần lễ thứ 13

Sự phát triển của bé:

Vào cuối quý đầu tiên của thai kỳ, bánh nhau phát triển và cung cấp cho thai nhi oxy, dưỡng chất và đưa chất thải của bé ra ngoài. Bánh nhau cũng sản xuất ra hormon progesterone và estriol, để duy trì sự tồn tại của thai nhi không bị tống xuất ra ngoài bụng mẹ quá sớm.

Trong tử cung, các mí mắt của bé được đóng kín để bảo vệ cho mắt phát triển. Đừng lo lắng! Sau này khi phải chăm sóc bé mới sinh Bạn lại ước ao bé hãy nhắm mắt ngủ một chút để Bạn có thể tranh thủ nghỉ ngơi ít phút!

Bé lúc này có thể đưa ngón tay cái vào miệng và mút một cách ngon lành, mặc dù phản xạ bú của bé lúc này chưa phát triển hoàn chỉnh, Bạn có thể nhìn thấy một vài cái xương sườn nhỏ của bé cũng như những xương bàn & xương ngón trên màn hình máy siêu âm.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Ngay ở lần khám thai đầu tiên, các BS sẽ kê toa cho Bạn để bổ sung thêm Vitamin. Bạn cần thiết phải bổ sung đầy đủ các vi chất này và đồng thời áp dụng chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng trong suốt quá trình mang thai, để đảm bảo thai nhi có thể nhận đủ lượng Vitamin và khoáng chất như Axit Folic, kẽm, sắt, và can xi rất cần thiết để bé phát triển tốt và lớn lên. Hãy trao đổi với BS về cách để có thể bổ sung vitamin tốt nhất, các loại thực phẩm và thức uống nào chứa nhiều vitamin và khoáng chất mà thai phụ nên sử dụng trong suốt thai kỳ. Trong một số trường hợp, nếu sử dụng vitamin không đúng cách có thể làm hạn chế lượng vitamin và khoáng chất được đưa qua bánh nhau đến thai nhi.

Tuần lễ thứ 14

Sự phát triển của bé:

Bé yêu của Bạn sẽ có một bộ tóc dầy tuyệt đẹp hay chỉ là vài sợi lưa thưa trên chiếc đầu nhẵn thít? Vào tuần này, tóc trên đầu của bé, bao gồm cả lông mày, đã bắt đầu phát triển. Lông măng – là những sợi lông nhỏ, mịn phủ đầy thân mình bé để nhằm bảo vệ cho da – cũng phát triển và cứ tiếp tục như thế cho đến ngày sanh nở.

Các cơ quan sinh sản cũng phát triển trong giai đoạn này. Ở bé trai, thấy xuất hiện sự phát triển của tuyến tiền liệt. Và ở bé gái, buồng trứng di chuyển từ bụng đến vị trí khung xương chậu. Thêm nữa, thai nhi cũng bắt đầu sản xuất ra các hormon trong tuần lễ này vì tuyến giáp cũng đã trưởng thành. Thai nhi bây giờ đã cân nặng khoảng 25 gam và dài khoảng 80 đến 113 milimet.

Sự thay đổi trong cơ thể của Bạn:

Bây giờ Bạn đã có thể mừng vì Bạn đã bước qua quý hai của thai kỳ. Bây giờ, khả năng bị sẩy thai là rất ít, vì thế Bạn có thể thở phào một cách nhẹ nhỏm. Nếu Bạn đã quá tuổi 35 và có rủi ro cao trong thai kỳ, các BS sẽ thảo luận với Bạn về phương pháp chọc dò ối. Chọc dò ối là một xét nghiệm để có thể phát hiện ra những bất thường về nhiễm sắc thể trên thai nhi, chẳng hạn như bệnh Down. Vào giữa tuần thứ 14 và tuần thứ 18, Các BS sẽ dùng một cây kim nhỏ và rỗng chọc vào túi ối và rút ra một ít nước ối để đem đi phân tích. Phương pháp chọc dò ối có thể gây sẩy thai với tỷ lệ thấp vào khoảng 0.5 %, vì vậy Bạn hãy cho BS biết những mối quan tâm, lo lắng của Bạn về khả năng xảy ra rủi ro cũng như những lợi ích có được khi áp dụng phương pháp này.

 

Trả lời