Sự phát triển của thai nhi trong 9 tháng (Phần 5)

THAI NHI THÁNG THỨ NĂM

Bé giờ đây được bao phủ bởi một lớp chất nhầy được gọi là chất gây, phủ khắp cơ thể bé để bảo vệ da bé khỏi bị trầy sướt và nhiễm khuẩn cho đến lúc sinh.

Tuần lễ thứ 19

Sự phát triển của bé:

Bé giờ đây được bao phủ bởi một lớp chất nhầy được gọi là chất gây, phủ khắp cơ thể bé để bảo vệ da bé khỏi bị trầy sướt và nhiễm khuẩn cho đến lúc sinh.

Não bộ của bé đang phát triển hàng triệu các tế bào thần kinh vận động, là các tế bào thần kinh kết nối các thông tin vận động lên não. Và như vậy bé có thể thực hiện các động tác cử động có ý thức một cách rõ ràng.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Nỗi lo lắng nhất của Bạn về tình trạng sức khỏe của bé có thể được xóa tan khi Bạn cảm nhận được những cử động đầu tiên của bé, thường khoảng vào tuần thứ 18 cho đến tuần thứ 20. Những cử động đầu tiên của bé làm Bạn có cảm giác như đang có những con bướm vỗ cánh trong bụng hoặc nghe như tiếng bao tử sôi những khi Bạn đói. Sau này, khi bé lớn lên chút nữa, Bạn sẽ có thể cảm nhận được những cái đạp, những cú thoi của bé và thậm chí là cả tiếng nấc cục nữa kìa. Mỗi một bé sẽ có những cử động khác nhau trong bụng mẹ, tuy nhiên nếu Bạn để ý thấy những chuyển động của bé giảm đi đáng kể trong khoảng thời gian tương đối dài, Bạn nên báo ngay với BS.

Nhiều thai phụ có cùng chung một thắc mắc là liệu vấn đề quan hệ vợ chồng trong lúc mang thai có làm bé bị đau hay ảnh hưởng đến sự phát triển của bé hay không? Câu trả lời là KHÔNG! Tình dục là vấn đề an toàn ở mọi thời điểm trong thai kỳ, miễn là tình trạng thai của Bạn bình thường. Nhiều thai phụ thấy rằng những ham muốn tình dục của họ thay đổi bất thường tại các thời điểm khác nhau trong suốt thai kỳ, nó phụ thuộc vào nhiều thứ như tình trạng sức khỏe, độ lớn của thai nhi, những lo lắng về vấn đề sinh nở, và hàng loạt những thay đổi khác trong cơ thể của thai phụ. Hãy trao đổi và tâm sự với ông xã để Bạn có thể nhận được sự cảm thông, chia sẻ. Mặc dù Bạn rất quan tâm đến tình trạng của cục cưng trong bụng, nhưng có những khoảnh khắc lãng mạn, riêng tư bên đấng lang quân của mình cũng không kém phần quan trọng đâu Bạn nhé!

Tuần lễ thứ 20

Sự phát triển của bé:

Bây giờ Bạn đã đi được nửa đoạn đường rồi nhé, đã được hai muơi tuần lễ mang thai rồi, bé yêu của Bạn đã lớn nhanh một cách đáng kể từ một nhóm các tế bào ban đầu. Thai nhi bây giờ nặng khoảng 260 gram và dài khoảng 14 đến 16 centimet. Sự phát triển của bé sẽ làm cho tử cung ngày càng lớn hơn rất nhiều so với kích thước ban đầu, và tử cung lớn ra gây chèn ép lên phổi, dạ dày, bàng quang và thận của Bạn.

Bên dưới lớp gây (để bảo vệ da bé), da của bé ngày càng phát triển dày lên và có nhiều lớp, bao gồm lớp hạ bì, biểu bì và một lớp dưới da. Tóc và móng tay bé cũng tiếp tục phát triển trong tuần lễ này.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Các BS sẽ cho yêu cầu Bạn tiến hành siêu âm thai, một phương pháp chẩn đoán sử dụng sóng âm để tạo nên hình ảnh. Siêu âm thường được thực hiện ở tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, cho phép xác định được kích cỡ và vị trí của bào thai, đôi khi cũng xác định được giới tính của thai nhi. Siêu âm cũng có thể kiểm tra được tình trạng dây rốn, bánh nhau và lượng nước ối. Hãy trao đổi với BS những thắc mắc của Bạn khi thực hiện siêu âm cho thai nhi.

Tuần lễ thứ 21

Sự phát triển của bé:

Lượng nước ối trong tử cung để bảo vệ và che chở bé giờ đây có thêm một nhiệm vụ khác nữa. Ruột của bé đã phát triển đủ để một lượng đường nhỏ, có trong lượng nước ối mà bé nuốt vào, sẽ được chuyển đến hệ thống tiêu hoá và chuyển qua ruột già. Đó là những dưỡng chất dùng để nuôi dưỡng em bé, tuy nhiên bên cạnh đó còn có thêm một nguồn dưỡng chất chính yếu khác được cung cấp từ bánh nhau.

Bây giờ, gan và lá lách của thai nhi đã có thể sẵn sàng để sản xuất ra các tế bào máu (gan của thai nhi sản sinh ra các tế bào máu cho đến tận ngày sinh). Tuỷ xương đã phát triển hoàn chỉnh để có thể sản sinh ra các tế bào máu tốt nhất.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Tập thể dục có an toàn trong thai kỳ hay không? Tập thể dục là một cách tốt để giữ vóc dáng trong thời kỳ mang thai và phòng tránh được bệnh tật như chứng giãn tĩnh mạch, sự tăng cân quá mức, giảm tối đa triệu chứng đau lưng. Tuy nhiên, Bạn nên lưu ý là khi có thai không nên tập luyện các môn thể thao mạnh – mà chỉ thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng mà thôi. Bởi vì khi mang thai, các dây chằng của Bạn dãn hơn lúc bình thường, nên Bạn sẽ bị đau nếu như thực hiện các động tác quá mạnh bạo, và tập thể dục quá sức có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy Bạn hãy lựa chọn các động tác nhẹ nhàng và chậm rãi & toàn thân như tập yo ga, bơi lội, và đi bộ là tốt nhất. Tốt nhất Bạn nên tham khảo với BS về những bài thể dục mà Bạn lựa chọn để có được những ý kiến cụ thể.

Tuần lễ thứ 22

Sự phát triển của bé:

Các giác quan của bé, để nhận biết về thế giới xung quanh, đang phát triển từng ngày. Các gai vị giác đã được hình thành trên bề mặt lưỡi, não và các đầu mút thần kinh cũng đã phát triển đủ để thai nhi có thể cảm nhận được những va chạm tiếp xúc. Vì vậy bé có thể biểu hiện những cảm xúc thông qua nét mặt như cau mày hay nheo mắt hoặc mút ngón tay cái.

Hệ sinh sản vẫn đang tiếp tục phát triển. Ở bé trai, tinh hoàn bắt đầu tụt xuống khỏi bụng và ở bé gái, tử cung và buồng trứng đã được định vị và âm đạo cũng đang phát triển.

Sự thay đổi trong cơ thể Bạn:

Trong tuần lễ này, tử cung của Bạn đang tập luyện để chuẩn bị cho cuộc sinh nở, các cơn co thắt giả tạo ở tử cung không gây đau và không thường xuyên được gọi là cơn gò Braxton Hicks. Bạn có thể cảm thấy các cơn co thắt ở vị trí chóp tử cung. Đừng quá lo lắng! Bởi vì thai nhi cảm nhận các cơn co bóp này như những cái xiết chặt của tử cung mềm mại và không đau. Và các cơn co Braxton Hicks không nguy hiểm và vô hại. Tuy nhiên nếu xuất hiện các cơn co với cường độ mạnh và rất đau hoặc nếu Bạn đếm thấy có hơn 4 cơn co thắt trong một giờ, Bạn hãy liên hệ ngay với BS vì các triệu chứng đau bụng, và có các cơn co xuất hiện liên tục có thể là dấu hiệu của cơn chuyển dạ sớm.

Trả lời